- Qua 3 năm thực hiện Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23.5.2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020, ông đánh giá như thế nào về hoạt động của các trường này trong thời gian qua?
- Tại Quyết định số 761 đã xác định có 45 trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề được ưu tiên để tập trung đầu tư đồng bộ thành trường chất lượng cao vào năm 2020. Tính đến hết năm 2015, có 41/45 (91,1%) trường đã được cấp giấy chứng nhận đạt cấp độ 3 (cấp độ cao nhất) tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường cao đẳng nghề.
Nhìn chung, qua 3 năm thực hiện Quyết định số 761, các trường được đầu tư trở thành trường chất lượng cao đã từng bước được hình thành, đội ngũ giáo viên được nâng cao cả về kỹ năng nghề và sư phạm, cơ sở vật chất được tăng cường, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo theo yêu cầu của thị trường và người sử dụng lao động; đội ngũ cán bộ quản lý, công tác quản trị nhà trường được đổi mới và hiệu quả. Kết quả thể hiện rõ nét nhất là tỷ lệ tuyển sinh hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao, đặc biệt một số nghề tỷ lệ có việc làm đạt trên 90%. Theo đánh giá của một số doanh nghiệp, cơ bản sinh viên tốt nghiệp ra trường đều nhanh chóng tiếp cận được với dây chuyền công nghệ thực tế. Điều này cũng thể hiện kết quả của quá trình đào tạo gắn với doanh nghiệp, gắn với thị trường lao động.
- Từ 1.1.2017, Chính phủ chính thức giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về GDNN cho Bộ LĐ, TB - XH. Điều này có tác động như thế nào đến kết quả tuyển sinh năm học mới của hệ thống các trường nghề trong cả nước nói chung và các trường nghề chất lượng cao nói riêng, thưa ông?
- Theo báo cáo của các Sở LĐ, TB - XH, tổng số tuyển sinh tính đến hết tháng 9.2017 là 1.381.355 người, đạt tỷ lệ 62,8% so với kế hoạch năm 2017. Trong đó: Cao đẳng: 122.432 người; Trung cấp: 158.923 người; Sơ cấp và thường xuyên dưới 3 tháng: 1.100.000 người. Như vậy, mặc dù ở thời điểm sôi động của mùa tuyển sinh đại học, kết quả tuyển sinh trung cấp và cao đẳng năm 2017 vẫn tăng hơn 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Nhiều trường chất lượng cao tính đến thời điểm này cơ bản tuyển đủ hoặc vượt chỉ tiêu đã đăng ký năm 2017, trong đó, có những trường thu hút được các thí sinh có điểm thi đại học từ mức sàn trở lên. Điều đó càng chứng tỏ nhận thức của toàn xã hội, cha mẹ học sinh và bản thân học sinh về học nghề, lập nghiệp đã và đang sát thực tế, mang tính tất yếu của việc đào tạo nghề nghiệp gắn với việc làm. Đó cũng là sự nhận thức đúng đắn giúp giải bài toán phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT vẫn còn chậm lâu nay.
3 giải pháp đột phá
- Theo ông, những thách thức lớn nhất của giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay là gì?
- GDNN đang đứng trước rất nhiều thách thức. Trước tiên là việc tuyển sinh, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông; đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN để bảo đảm cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu trình độ, ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế; giải quyết tốt vấn đề việc làm của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp… Chúng ta có mạng lưới cơ sở dạy nghề cơ bản bao phủ khắp các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, chúng ta lại thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Nhiều doanh nghiệp gặp khó trong tuyển dụng lao động, bởi các ứng viên không có kỹ năng phù hợp, hoặc vì sự khan hiếm lao động trong một số ngành nghề. Trước thực trạng đáng báo động này, đổi mới giáo dục GDNN, cải tiến chất lượng lao động là yêu cầu cấp bách.
Giờ thực hành của học sinh trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Kiên Giang
|
- Vậy giải pháp nào để vượt qua khó khăn trên, thưa ông?
- Chúng tôi xác định mục tiêu đột phá, là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, một bộ phận nhân lực chất lượng cao tiếp cận trình độ các nước phát triển để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đến năm 2030 đạt tỷ lệ 85% người học nghề có việc làm, thu nhập và năng suất lao động cao hơn sau đào tạo. Theo đó, ba giải pháp đột phá gồm: Trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở GDNN; nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở GDNN; Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng; Gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội.
Để đạt mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao tiếp cận trình độ các nước phát triển, giải pháp hình thành mạng lưới các trường nghề chất lượng cao và các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế dựa trên các chuẩn của quốc tế, thí dụ nhận chuyển giao chương trình đào tạo từ nước ngoài, đào tạo giáo viên và tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo chuẩn quốc tế.
- Xin cảm ơn ông!
Tác giả bài viết: Thái Bình thực hiện
Nguồn tin: Theo daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn