Từ hành động…
Dù chỉ là một hợp phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020 nhưng Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN” (Dự án) lại là mấu chốt tiên phong cho toàn bộ chặng đường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia nhằm hòa nhập sâu rộng với mạng lưới nhân lực khu vực và quốc tế. Dự án bao gồm 8 hoạt động, trong đó đáng kể nhất là hoạt động chuẩn hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo cho các trường nghề được hưởng thụ Dự án. Đặc biệt, ở một số nghề trọng điểm thì trên 80% thiết bị được đầu tư tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh theo danh mục thiết bị đào tạo, đáp ứng yêu cầu số giờ thực hành, thực tập theo quy định.
Thật đúng khi nói, “không thầy đố mày làm nên”! Chính sự đầu tư vào đội ngũ giáo viên đã khiến chất lượng và hiệu quả GDNN có bước chuyển biến tích cực; kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở GDNN được nâng lên, nhất là ở các chương trình chất lượng cao. Hiện nay, không thiếu những học sinh trường nghề vừa có kỹ năng giỏi, có ngoại ngữ tốt, đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và cho thị trường lao động ngoài nước (lao động kỹ sư). Đặc biệt, việc thực hiện chuyển giao, tiếp nhận và đào tạo thí điểm theo 34 bộ chương trình giáo trình nghề trọng điểm cấp độ quốc tế từ Australia và Đức, đã giúp học sinh, sinh viên sau đào tạo vừa được song bằng (một do trường Cao đẳng Việt Nam cấp; một do phía chuyển giao cấp); vừa tạo cơ hội cho người học được xuất khẩu lao động đến những thị trường yêu cầu tay nghề cao như Australia, Đức.
Đồng thời, việc chuyển giao giúp các trường thực hiện đổi mới cấu trúc chương trình GDNN từ tách biệt giữa lý thuyết và thực hành sang đào tạo theo modul tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp... Đây là khởi đầu tốt, giúp GDNN Việt Nam hội nhập quốc tế một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất từ việc học tập công nghệ đào tạo từ các nước tiên tiến trên thế giới.
Đến những con số
Điểm nhấn quan trọng trong hoạt động hỗ trợ công nghệ thông tin là đã xây dựng được ứng dụng chọn nghề, chọn trường trên điện thoại di động, đã cập nhật được thông tin của 1.000 cơ sở GDNN, với hơn 800 nghề đào tạo và thường xuyên có khoảng 10 nghìn người truy cập; thực hiện số hóa, mô phỏng hóa các chương trình đào tạo theo các phần mềm tiên tiến trên thế giới. |
Một tín hiệu vui vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố trong Bản tin cập nhật thị trường lao động số 21 cho thấy, số người có việc làm trong quý I là 54,32 triệu người, tăng 329,75 nghìn người (0,61%) so với cùng kỳ năm 2018. Cũng trong quý I.2019, tổng thu nhập bình quân tháng từ tất cả các công việc của lao động làm công hưởng lương đạt 6,94 triệu đồng. So với quý trước và cùng kỳ năm 2018, mức thu nhập này tăng ở hầu hết các nhóm, trong đó cao nhất là nhóm có trình độ sơ cấp, tăng 1,4 triệu đồng so với quý IV.2018.
Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong quý I.2019 giảm đáng kể. Cả nước có 1,059 triệu người thất nghiệp, giảm 3,28 nghìn người so với quý IV.2018. Dự báo quý II.2019, tổng số việc làm sẽ đạt 54,58 triệu, tăng 262 nghìn người (tăng 0,48% so với quý I.2019 và tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2018). Tỷ lệ thất nghiệp chung khoảng 2%. Đồng thời, trong quý II, xu hướng các doanh nghiệp đa quốc gia mở văn phòng tại Việt Nam trong các lĩnh vực thực phẩm, nước giải khát, mỹ phẩm… cũng sẽ dẫn đến việc tăng mạnh nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến khối kinh doanh và marketing và văn phòng.
Tại Báo cáo đánh giá tác động của việc thực hiện Dự án đến lĩnh vực GDNN cho thấy, có trên 75% học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp các cơ sở GDNN; ở một số nghề và một số cơ sở GDNN tỷ lệ này đạt trên 90%. Theo kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu về đào tạo nghề nghiệp gắn với việc làm năm 2018 (kết quả khảo sát tại 2.735 doanh nghiệp, ở 34 tỉnh/thành phố) cho thấy, doanh nghiệp đang sử dụng 130.120 lao động qua đào tạo các nghề trọng điểm (chiếm 36,6% trong tổng số lao động). Nhu cầu trong giai đoạn 2019 - 2021 tăng lên 196.646 người (tăng 51%). Qua đó, có thể thấy nhu cầu của các doanh nghiệp về nguồn nhân lực qua đào tạo ngành/nghề trọng điểm hiện rất lớn. Nhiều trường đã khẳng định được thương hiệu về chất lượng trong đào tạo đối với các doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cũng mong muốn tiếp nhận những học sinh, sinh viên ra trường có thể làm việc được luôn nhằm giảm chi phí đào tạo lại.
Trên thực tế, việc triển khai Dự án đã tác động tích cực đến quy mô tuyển sinh, cơ cấu và chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN; qua đó đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Có thể nói, những tác động mà Dự án mang lại không chỉ khiến các trường hay cụ thể là mỗi giáo viên nghề phải thay đổi nhận thức từ phương pháp dạy, dạy theo nhu cầu đến việc coi người học là yếu tố quyết định sự sống còn của bản thân cũng như của mỗi cơ sở GDNN; làm thay đổi nhận thức của người học mà còn góp phần giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của xã hội như việc làm, an ninh trật tự, giảm nghèo...
Nguồn tin: Bình Nhi
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn